Hiện trạng tấm bia Bia Xá Lợi Tháp Minh

Đầu tháng 8 năm 2012, tổ công tác thuộc phòng Nghiên cứu Sưu tầm Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh (gồm các bà Kiều Thị Thơm, Nguyễn Văn An và Nguyễn Thị Biển) tiếp nhận hai cổ vật từ ông Nguyễn Văn Đức gồm:

  • Bia mộ tháp: gồm hai phần có hình gần vuông, kích cỡ 45 cm x 46 cm úp khít vào nhau: phần dưới (thân bia) dày 9 cm được cắt khá nhẵn xung quanh, một mặt khắc chữ Hán còn rất rõ nét, gồm 133 chữ, chia thành 13 dòng. Phần trên (nắp đậy) mỏng hơn dày khoảng 4 cm úp lên trên phiến đá có chữ, mặt dưới tạo gờ nổi xung quanh đặt xuống vừa khít vào phần khắc chữ phía dưới, mặt trên tạo góc bạt chéo hình trụ.
  • Liễn (đỉnh) đá: bên cạnh bia mộ tháp nêu trên tại vị trí phát hiện các di vật còn có một liễn (đỉnh) đá. Hiện vật này trên có nắp đậy cũng bằng đá - loại đá gần giống như bia đá, kích cỡ 45 cm x 46 cm x 33 cm lòng sâu 26 cm, đáy cỡ 17 cm x 17 cm. Nắp đậy có kích cỡ 45 cm x 46 cm x 8 cm. Nắp đá mặt dưới tạo gờ nổi chạy xung quanh úp xuống vừa khít với thân, mặt trên tạo góc bạt chéo hình trụ giống với nắp bia.
  • Cả hai di vật trên đều đặt trên một tấm đá hình chữ nhật dày 25 cm, kích cỡ 65 cm x 100 cm. Tấm đá không trang trí hoa văn, mặt trên phẳng, mặt dưới hơi gồ ghề, qua thời gian nằm ở dưới lòng đất mặt đá bị bào mòn, một đầu bị sứt vỡ nhỏ[1].

Ông Đức cho biết khi đào đất đã dùng máy xúc để đào. Các di vật bằng đá nằm ở độ sâu hơn 2m, khi đào được các di vật này, bia mộ tháp có 2 phần úp khít vào nhau bằng chất kết dính, phải cậy bằng mai đào đất để mở, vì thế cạnh ngoài nắp có chỗ bị sứt vỡ mấy miếng nhỏ nhưng không ảnh hưởng tới phần khắc chữ. Ở mặt trong cả 2 nắp bia khi cạy ra đều sạch bóng, không có chất gì khác bám vào mặt, kể cả nước. “Liễn đá” có nắp đậy, ở bên trong có một ít tạp chất màu thâm đen[3].